Kinh tế Madagascar

Đường phố tại thủ đô Antananarivo.
Bài chi tiết: Kinh tế Madagascar

Dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa của Madagascar, Pháp có ảnh hưởng mạnh lên việc lập kế hoạch và chính sách kinh tế của đảo quốc, và cũng là đối tác thương mại chủ chốt. Các sản phẩm chủ lực được trồng rồi phân phối ra toàn quốc thông qua các hợp tác xã của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Chính phủ có các sáng kiến như một chương trình phát triển nông thôn và các nông trại quốc doanh được thiết lập để thúc đẩy sản xuất các hàng hóa như lúa, cà phê, gia súc, tơ và dầu cọ. Sự bất mãn rộng rãi đối với các chính sách này là một yếu tố quan trọng trong việc khởi đầu Đệ Nhị Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa-Marxist. Dưới chế độ này, các ngành ngân hàng và bảo hiểm tư nhân trước đây bị quốc hữu hóa; độc quyền nhà nước được thiết lập trên các ngành công nghiệp như dệt may, bông, năng lượng; và thương mại xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hải nằm dưới quyền kiểm soát của nhà nước. Kinh tế của Madagascar xấu đi nhanh chóng do xuất khẩu giảm, sản xuất công nghiệp giảm 75%, lạm phát tăng vọt và nợ chính phủ tăng lên; mức sinh hoạt của dân số nông thôn suy giảm ngay sau đó. Hơn 50% thu nhập từ xuất khẩu của quốc gia được dành để chi trả nợ.[52]

IMF buộc chính phủ Madagascar chấp thuận các chính sách điều chỉnh cơ cấu và tự do hóa nền kinh tế khi quốc gia này phá sản vào năm 1982. Các ngành công nghiệp do nhà nước kiểm soát dần được tư nhân hóa trong những năm 1980. Khủng hoảng chính trị năm 1991 khiến IMF và WB đình chỉ giúp đỡ Madagascar. Các điều kiện để nối lại viện trợ không được Albert Zafy đáp ứng, người này có cố gắng bất thành nhằm thu hút các hình thức thu nhập khác cho Nhà nước. Sau khi Albert Zafy bị luận tội, viện trợ được phục hồi cho chính phủ lâm thời Madagascar. IMF chấp thuận xóa một nửa số nợ của Madagascar vào năm 2004 cho chính quyền của Ravalomanana. Do đáp ứng được bộ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kinh tế, quản trị và nhân quyền, Madagascar trở thành quốc gia đầu tiên nhận được trợ cấp từ Quỹ Thách thức Thiên niên kỷ vào năm 2005.[18]

GDP của Madagascar vào năm 2009 được ước tính là 8,6 tỷ USD, GDP bình quân trên người là 438 USD.[18] Xấp xỉ 69% dân số đảo quốc sống dưới ngưỡng nghèo quốc gia là 1 USD/ngày.[97] Lĩnh vực nông nghiệp đóng góp 29% GDP của Madagascar trong năm 2011, trong khi lĩnh vực chế tạo đóng góp 15% GDP. Các nguồn tăng trưởng của Madagascar là du lịch, nông nghiệp và khai khoáng.[98] Du lịch tập trung vào phân khúc thị trường du lịch sinh thái, tận dụng lợi thế đa dạng sinh học độc đáo của Madagascar, những môi trường sống tự nhiên chư bị làm hại, các vườn quốc gia và các loài vượn cáo.[99] Một ước tính nói rằng có 365.000 du khách đến Madagascar vào năm 2008, song lĩnh vực này chịu sự suy giảm sau khủng hoảng chính trị và đến năm 2010 chỉ có 180.000 du khách đến thăm đảo quốc.[98]

Động vật đồ chơi làm từ cọ sợi (raffia), một loài cọ bản địa[100]

Madagascar có nhiều tài nguyên nông nghiệp và khoáng sản chưa chế biến. Nông nghiệp, gồm có cọ sợi, ngư nghiệp và lâm nghiệp, là một trụ cột của nền kinh tế. Madagascar là quốc gia hàng đầu thế giới về cung cấp vani, đinh hương[101]hoàng lan.[102] Các tài nguyên nông nghiệp quan trọng khác gồm có cà phê, vải, và tôm. Các tài nguyên khoáng sản quan trọng gồm có nhiều loại đá quý và đá bán quý, và Madagascar hiện cung cấp một nửa nguồn cung xa-phia của thế giới, loại khoáng sản này được phát hiện tại Ilakaka vào cuối thập niên 1990.[103] Đảo cũng là một trong những nơi có trữ lượng lớn nhất thế giới về ilmenit (quặng titan), cũng như các trữ lượng quan trọng các khoáng sản cromit, than đá, sắt, đồng, và niken.[52] Một số dự án lớn được triển khai trong ngành khai mỏ, các lĩnh vực dầu và khí đốt được dự đoán sẽ là một thúc đẩy đáng kể cho kinh tế Madagascar. Chúng gồm các dự án như khai mỏ từ cát khoáng nặng gần Tôlanaro của Rio Tinto,[104] khai thác niken gần Moramanga và chế biến nó gần Toamasina của Sherritt International,[105] và phát triển các mỏ dầu nặng trên bờ khổng lồ tại TsimiroroBemolanga của Madagascar Oil.[106]

Xuất khẩu chiếm 28% GDP vào năm 2009.[18] Phần lớn thu nhập xuất khẩu của quốc gia bắt nguồn từ ngành công nghiệp dệt may, đánh bắt cá và tôm cua, vani, đinh hương và các thực phẩm khác.[98] Pháp là đối tác thương mại chính của Madagascar, song Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Đức cũng có các quan hệ thương mại vững mạnh với đảo quốc.[52] Nhập khẩu các mặt hàng như thực phẩm, nhiên liệu, tài sản tư bản, xe cộ, hàng tiêu dùng và hàng điện tử tiêu thụ khoảng 52% GDP. Các nguồn nhập khẩu hàng hóa chính của Madagascar gồm có Pháp, Trung Quốc, Iran, Mauritius, Nhật Bản và Hong Kong.[18]

Cơ sở hạ tầng và truyền thông

Cảng tự trị Toamasina là cửa ngõ quan trọng nhất để Madagascar đi ra Ấn Độ Dương và thế giới

Năm 2010, Madagascar có xấp xỉ 7.617 km (4.730 mi) đường trải nhựa, 854 km (530 mi) đường sắt và 432 km (270 mi) thủy đạo có thể thông hành.[2] Phần lớn các tuyến đường bộ tại Madagascar chưa được trải nhựa, nhiều tuyến đường trong số đó trở nên không thể qua lại được vào mùa mưa. Các tuyến đường quốc gia phần lớn được trải nhựa, kết nối sáu đô thị cấp vùng lớn nhất đến thủ đô Antananarivo, còn các tuyến đường nhỏ được trải nhựa hoặc chưa trải nhựa giúp tiếp cận các trung tâm dân cư khác trong mỗi huyện. Có một số tuyến đường sắt trên đảo, Antananarivo được kết nối với Toamasina, Ambatondrazaka và Antsirabe bằng đường sắt, và tuyến đường sắt khác kết nối Fianarantsoa với Manakara. Hải cảng quan trọng nhất tại Madagascar nằm tại Toamasina trên vùng bờ biển phía đông. Các cảng tại Mahajanga và Antsiranana có tầm quan trọng thấp hơn, được sử dụng do vị trí xa xôi của khu vực.[17] Cảng tại Ehoala được xây dựng vào năm 2008 và thuộc quyền quản lý tư nhân của Rio Tinto, song sẽ nằm dưới quyền quản lý của nhà nước sau khi hoàn toàn dự án khai mỏ của công ty nằm gần Tôlanaro vào khoảng năm 2038.[104] Air Madagascar cung cấp các dịch vụ hàng không đến nhiều sân bay nhỏ cấp khu vực, và là phương tiện duy nhất trên thực tế có thể tiếp cận nhiều khu vực rất xa xôi trong mùa mưa do đường bộ xói lở.[17]

Nước sinh hoạt và điện năng được cung cấp ở tầm quốc gia, Jirama là nhà cung cấp dịch vụ của chính phủ, song công ty không thể cung cấp dịch vụ đối với toàn thể dân cư. Năm 2009, chỉ 6,8% fokontany (làng) của Madagascar có thể tiếp cận với nước so Jirama cung cấp, trong khi 9,5% có thể tiếp cận được dịch vụ điện năng của công ty.[89] 56% điện năng của Madagascar do các nhà máy thủy điện cung cấp, 44% còn lại do các máy phát điện động cơ diezen cung cấp.[107] Tiếp cận với điện thoại di động và internet là điều phổ biến tại các khu vực đô thị song vẫn hạn chế tại các khu vực nông thôn của đảo quốc. Xấp xỉ 30% số huyện có thể tiếp cận một số mạng lưới viễn thông tư nhân của quốc gia thông qua điện thoại di động hay cố định.[89]

Phát thanh vẫn là phương tiện chính để người dân Madagascar tiếp cận các tin tức quốc tế, quốc gia và địa phương. Chỉ các chương trình phát thanh nhà nước được truyền trên khắp đảo. Hàng trăm đài công cộng và tư nhân với phạm vi địa phương hay khu vực cung cấp các lựa chọn khác với phát thanh nhà nước.[81] Ngoài kênh truyền hình nhà nước, nhiều đài truyền hình thuộc sở hữu tư nhân phát sóng các chương trình địa phương và quốc tế trên toàn Madagascar. Một số hãng truyền thông nhỏ do các cảm tình viên hoặc bản thân các chính trị gia sở hữu, bao gồm tập đoàn truyền thông MBS (Ravalomanana sở hữu) và Viva (Rajoelina sở hữu),[87] góp phần vào phân cực chính trị trong việc tường trình. Truyền thông về mặt lịch sử nằm chịu nhiều mức độ áp lực trong các thời kỳ nhằm kiểm duyệt chỉ trích của họ đối với chính phủ. Các ký giả đôi khi bị đe dọa quấy rối và các hãng truyền thông nhỏ bị buộc đóng cửa theo định kỳ.[81] Những cáo buộc kiểm duyệt truyền thông tăng lên từ năm 2009 do điều được cho là gia tăng hạn chế về chỉ trích chính trị.[86] Truy cập internet tăng trưởng đáng kể trong thập kỷ qua, ước tính vào tháng 12 năm 2011 có 350.000 cư dân Madagascar có thể tiếp cận internet từ nhà hoặc một trong nhiều quán internet.[81]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Madagascar http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F003453.php http://www.bbc.com/news/world-africa-25588324 http://www.britannica.com/EBchecked/topic/355562/M... http://www.floridata.com/ref/R/rave_mad.cfm http://abcnews.go.com/Technology/wireStory?id=1129... http://books.google.com/?id=I_S1D8cnTiEC&pg=PT19 http://books.google.com/?id=Mpsc2hsYk1YC&printsec=... http://books.google.com/?id=gvREAAAAIAAJ&printsec=... http://books.google.com/?id=nPoGAAAAQAAJ&printsec=... http://books.google.com/?id=owU3-pCIvyYC&printsec=...